Thứ Ba, 25 tháng 12, 2012

Lật lại một triển lãm ảnh - Lần đầu tại Việt Nam

 Dù triển lãm ảnh”đồng tính” của nhiếp ảnh gia  Maika Elan đã qua lâu lắm rồi, sau cuộc triển lãm này có người thích, người không thích. Riêng tôi, tôi chưa được ưng ý về nhiều thứ chứ chưa bảo là không thích.
 Rõ ràng cái tên triển lãm đã gây một hiệu ứng chưa thật sự tốt cho nhiều người. “The Pink Choice - Yêu là yêu”, đọc thấy hay ấy chứ. Nhưng suy cho cùng chẳng có gì là hay, là đáng để đặt cho triển lãm này cái tên như thế. Pink là một màu sắc đẹp, đầy mơ mộng mang nhiều thiên hướng của giới tính nữ, ám chỉ những điều dễ thương, dễ chịu trong cuộc sống, điều này là tốt, là an toàn, là hay. Còn với từ “choice” nghĩa tiếng Việt là sự lựa chọn, lựa chọn ai?, lựa chọn cái gì?, lựa chọn ra làm sao?,… hàng tá câu hỏi cứ hiện ra trong tôi, từ “choice” rõ ràng chẳng có ý nghĩa gì sâu sắc, lại gây một tác dụng ngược lại, nếu như giới tính của chính bạn, bạn có lựa chọn được không hay tạo hóa đã ban cho bạn, rõ ràng xã hội thì luôn mong muốn mọi người hãy luôn sống thật với giới tính mà mình đang có và sống có trách nhiệm với giới tính ấy. Về phương diện này tôi ghét và muốn phá bỏ từ “choice”. Tại sao không là “pink life”, hay một cái tên tiếng Việt như: cuộc sống tươi hồng, phía trước là bầu trời, hay “cầu vồng rực rỡ”,…còn nếu nghĩ theo một chiều hướng khác là “Sự lựa chọn cách sống tốt” thì theo tôi, bất kì ai, bất kì giới tính nào cũng phải lựa chọn cách sống tốt đẹp cho riêng mình chứ không riêng gì người đồng tính.


 Ảnh đẹp, chuyên nghiệp, có góc nhìn cận cảnh, lột tả được tâm trạng, cảm xúc của những đôi lứa yêu nhau. Tuy vậy, để xã hội, những người dị tính có cái nhìn thông cảm hay thương hơn những người có giới tính khác lạ thì các bức ảnh cần có một góc nhìn khác hơn, sâu sắc hơn về đời sống nội tâm của người đồng tính. Những bức ảnh chỉ xoay quanh vài ba nhân vật nổi tiếng, công khai nào đó với những cử chỉ chăm sóc, âu yếm, vuốt ve, quan tâm nhau, chứng tỏ họ hạnh phúc,… Với người dị tính, những hình ảnh này lại gây nhiều ác cảm cho họ, nhất là những cảnh ôm hôn nhau thấm thiết, hay thậm chí là quá bạo đến cuồng nhiệt, đến lộ cả phần da thịt trong những chiếc quần lót bé xíu dù cơ thể người được chụp chẳng đẹp và hấp dẫn tí nào.
 Những thứ đẹp đẽ trong tình yêu đồng tính đã được phơi bày, và người đồng tính thật sự thì hạnh phúc khi được chia sẻ chúng (chưa chắc). Những nhân vật trong ảnh đã công khai, sống thật với những gì họ có. Phần đông còn lại, những người mới biết được con người thật ẩn sâu bên trong mình thì sao?. Tại sao nhiếp ảnh gia lại không cho thấy được những nổi buồn, sự tủi nhục, cay đắng mà người đồng tính phải trải qua, phải trả giá để có cuộc sống hạnh phúc, con đường đi tìm giới tính của chính mình, cách họ vượt qua miệng đời dư luận như thế nào,… để mọi người hiểu và thông cảm.
 Ngoài tình yêu, những thành công, thất bại trong cuộc sống của người đồng tính chưa được khai thác, cả những dằn vặt mâu thuẩn trong tâm lý của người đồng tính. Hay như hình ảnh những đứa con bị gia đình nguyền rủa đuổi cổ ra khỏi nhà, những công dân bị xã hội xa lánh, khát khao yêu đương cháy bỏng, hay như sự thiếu hiểu biết của một số người, rào cản từ pháp luật, áp lực về tâm lý đến tự vẫn,…


 Nếu như muốn thấy sự hạnh phúc thật sự của người đồng tính, tại sao nhiếp ảnh gia lại không vượt qua khỏi cái giường, ngôi nhà chật hẹp để đến với rạp chiếu phim, những hoạt động xã hội của người đồng tính, thậm chí là cải nhau, giận nhau, đánh đập nhau, sự ghen tức,… để thấy rằng tình yêu của người đồng tính cũng có những xúc cảm hoàn toàn giống như những cặp đôi dị tính.
 Có vài tấm, nhiếp ảnh gia chụp ngoài thiên nhiên, cánh đồng rất tuyệt vời, các cập đôi lại dính nhau, lại ôm hôn, lại mơn trớn quá đà.
 Yêu là yêu, những tấm ảnh trong trển lãm đã cho chúng ta nhận ra một điều rằng: người đồng tính có yêu là sẽ có hạnh phúc. Bên cạnh đó, chúng cũng chưa phản ánh được những khó khăn mà người đồng tính phải trải qua, những cảm xúc xấu trong tình yêu (bị ghen, bị phụ bạc, thay đổi người tình,…), và làm thế nào để có hạnh phúc vững bền trong tình yêu.
Những tấm ảnh đã gửi rất nhiều thông điệp cho người xem. Mặt khác lại khiến nhiều người “bội thực”, chán ngán bởi không có sự khác biệt mới mẻ của bộ ảnh cũng như tính tích cực của chúng. Người đồng tính hay dị tính cũng thế, không phải chỉ có “yêu là yêu” không thôi mà “yêu như thế nào?”, “yêu làm sao?” mới là vấn đề đáng khích lệ, đáng quan tâm.


 Mong là, Maika Elan sắp tới sẽ cho ra nhữg tác phẩm cá tính hơn, gai góc hơn, táo bạo, và mãnh liệt hơn về người đồng tính. Tôi hy vọng thế.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mời bạn đăng nhận xét. Cám ơn bạn đã ghé thăm "nhà" của tôi, chúc bạn có thật nhiều niềm vui và hạnh phúc.