Thứ Bảy, 2 tháng 8, 2008

Nặng Gánh Lưng Còng


Nghe Thảo Trang hát Nặng Gánh Lưng Còng

Không phải nhờ cậy đến chất rock nặng để ẩn dụ nỗi đau đến tận cùng như Mộ Gió của Unlimited. Không cần đến sự nức nở trong giọng hát, với các nốt nhạc rời rạc “cô đơn” như trong bài Tiếng rao của ca sỹ Phương Thanh. Nặng Gánh Lưng Còng do Thảo Trang thể hiện là sự kết hợp giữa một giọng hát có học, kỹ thuật xử lý bài hát điêu luyện và một “phù thủy” hòa âm đầy bản lĩnh.
Tôi cho rằng Nặng Gánh Lưng Còng là một tổng thể hoàn thiện nhất trong album LẠ khả dĩ có thể nâng Thảo Trang lên một mức để ngồi ở “chiếu trên” trong showbiz Việt.
Hòa âm của bài hát có buồn không?
Ca sỹ hát có quằn quại, rên rỉ không?
Lời bài hát có bi lụy không?

Câu trả lời là KHÔNG, thậm chí là ngược lại với những nhận định trên. Nhưng khi nghe ca khúc này, bạn vẫn cảm được cái âm hưởng và không khí chung của bài hát: phản ánh một sự vật, hiện tượng BUỒN – Nặng gánh lưng còng.
Bìa album "Lạ" của ca sĩ Thảo Trang
Tôi đã nghe đi nghe lại và đọc kỹ lời bài hát nhưng vẫn không đủ cơ sở khẳng định được người đang “nặng gánh lưng còng” – chủ thể bài hát là nam hay nữ?
Thoạt tiên, cái tựa bài hát khiến người ta cho rằng đây là một người phụ nữ, một người mẹ, người bà.
Niềm tin ấy càng được củng cố với những
“người hàng rong gánh cơn mưa”,
“vắt mái tóc sau lưng”,
“mái tóc lấm tấm nắng mưa”,
và với những gì đã quá ăn vào tiềm thức, vào nếp nghĩ của xã hội nói chung.
Nhưng mọi thứ không dễ dàng trôi tuột đi như cơn mưa trong bài hát. Nó khiến người nghe phải trăn trở và suy nghĩ.
Hình ảnh một người mẹ tóc muối tiêu còng lưng “gánh cả cơn mưa, gánh theo cả cuộc đời, gánh qua từng nẻo đường, từng lối đi xa dần” bỗng trở nên nhạt nhòa, thấp thoáng. Vì người ta đã cảm nhận được sự dữ dội của những hạt mưa từ “đám mây mù ngập trời” kia nhào xuống, ầm ầm bủa vây, chụp vào cái thân hình bé nhỏ khiến “ai cũng phải chạnh lòng” giữa “đường phố buồn” và cô đơn đó.
Nhịp bài hát chuyển từ nhẹ nhàng ở khúc đầu – khi trời còn đầy mây xám, qua nhanh và dữ dội khi vào điệp khúc:
Gánh theo cả cuộc đời /
Gánh qua từng nẻo đường /
Từng lối đi xa dần /
Đó là cái dữ dội của cơn mưa, cũng là sự cao tay của nhạc sỹ hòa âm đã hỗ trợ rất kịp thời cho tác giả viết lời.
Không phải “gánh” những từ láy “ào ào”, “ầm ầm”, “rầm rập”… hay những động từ mạnh diễn tả trạng thái, lời bài hát tập trung vào diễn đạt cái dáng hiên ngang, có phần bất khuất của “một người hàng rong kia”.
Một người mẹ lưng còng có hiên ngang như thế được không? Câu trả lời là có, và càng CÓ hơn nữa với những người phụ nữ Việt Nam. Nhưng nếu đang nghe và đang cảm bài hát, bạn bỗng thấy hình ảnh đó nhạt nhòa đi và vụt qua một suy nghĩ phản biện thì đây là câu trả lời hữu ích.
Thảo Trang đã rất tinh thế khi không lạm dụng vào nội lực trong giọng hát ở đoạn này. Nếu cô ấy hát ở một sắc thái dày hơn, đậm chất rock hơn thì sẽ không đạt được hiệu quả như mong muốn. Không phản ánh được thần thái ung dung, tự tại của “người gánh hàng rong” đang gánh luôn cả cơn mưa qua từng nẻo đường.
“Tiếng trút mưa rã rời, lạnh lùng” chuyển sang “tiếng mưa rì rào” là sự bất lực, đầu hàng và có phần nể phục trước hình ảnh “vắt mái tóc sau lưng, một màu hoa râm dưới mưa”.
Chỉ đến câu hát này, nhịp bài hát mới gần như ngưng lại, giọng ca sỹ càng nhẹ hơn nữa để người nghe được “nhìn” rõ hơn hình ảnh người bán hàng dường như đã mệt mỏi, và dừng bước để “vắt mái tóc sau lưng” – hành động duy nhất “đáp trả” cơn mưa dữ dội.
Mọi thứ ngưng đọng lại trong giây lát như thủ pháp lia trong điện ảnh. Một đường quét máy có tính chất nhắc lại: có trời, có mây, có đường phố, có mưa… để rồi kết thúc là việc ống kính zoom thẳng vào người gánh hàng rong. Để từ đó, hình ảnh “đứng lên đi tiếp” gây ấn tượng mạnh mẽ, xoáy thẳng vào tiềm thức người nghe.
Đoạn sau điệp khúc không nói về việc người gánh hàng rong có đi tiếp hay không, nhưng hòa âm liên tục liên tục đều bước của bài hát không thể là tiếng mưa trút xuống như ở đoạn đầu.
Vì đến đây, “tiếng mưa đã rì rào” rồi chứ không ra oai, không khốc liệt như khúc trước. Vậy đây không phải nhịp chân rảo bước của người gánh hàng rong, thì còn có gì hợp lý được hơn?
Lời bài hát sâu sắc và chất chứa nhiều hình ảnh, ẩn dụ.
Bản hòa âm phản ánh và thể hiện trung thực ý tứ của ca từ, hỗ trợ đắc lực vào những lúc mà “con chữ không thể cất thành lời”.
Ca sỹ làm chủ được cảm xúc và biết tung hứng, thỏa sức bơi lội trong không gian âm nhạc.
Tất cả đã đem đến thành công và sức hấp dẫn mãnh liệt cho Nặng Gánh Lưng Còng, cho dù nội dung của nó liên quan đến một chủ đề chẳng hề dễ nuốt!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mời bạn đăng nhận xét. Cám ơn bạn đã ghé thăm "nhà" của tôi, chúc bạn có thật nhiều niềm vui và hạnh phúc.