Thứ Bảy, 16 tháng 5, 2009

Khi Mẹ Khóc


Mấy hôm nay lang thang trên net chợt nghe được một ca khúc khá hay và ý nghĩa, cùng nghe và cảm nhận.





Người con dẫu có trưởng thành đến đâu cũng trở thành bé nhỏ trước nỗi lo toan và lòng nhân ái của mẹ.  

Khi Mẹ Khóc

S.T: Trần Lê Quỳnh

Trình Bày: C.S Nghuyễn Phi Hùng

Nhiều năm tháng đi qua, bao buồn vui trôi xa như tình yêu đầu.
Tình yêu đầu. Miền thơ ấu hóa mây bay trôi về đâu. Niềm tin cũ chẳng còn với con, kỷ niệm xưa nay mất còn nhiều khi cố quên độ lượng, lòng thôi không mang vết thương.

Cùng đi với nhân gian, thấy cuộc sống thênh thang như một nơi tạm, và tình yêu như những ngôi sao không chạm tới. Tìm trong gió một lần dấu yêu, hoài niệm đã quên rất nhiều. Chuyện xưa có khi bùi ngùi rồi lại tan đi thế thôi.

ĐK:

Nhưng khi mẹ khóc, người đàn ông bỗng thấy mình bé lại, nhiều giấc mơ thanh cao cũng sống lại. Thấy niềm kiêu hãnh làm người lại bừng lên giữa đêm dài u tối. Khi thấy mẹ khóc, giọt nước mắt con rơi vào áo mẹ, lòng nhớ ban mai nao mẹ vẫn trẻ, tay cầm tay con bước vào đời, là hạnh phúc cho con nương nhờ. Vào giây phút ấy con quên tất cả, và nhiều niềm riêng thôi cũng lùi xa. Dù tháng năm qua gắng sống xứng đáng với tình yêu của mẹ.
Trong một ngày bình thường nọ, tôi đã rưng rưng khi nghe ca khúc Khi mẹ khóc của nhạc sĩ Trần Lê Quỳnh. Bài hát thực sự là những lời tâm sự chân thành, cảm động, được thể hiện bằng giai điệu, ca từ rất mực giản dị nhưng có sức lay động lạ kỳ.

Thời gian làm cho con người lớn lên, thay đổi nhiều đi “bao buồn vui trôi xa như tình yêu đầu. Niềm tin cũ chẳng còn với con...”. Cuộc sống nghiệt ngã cứ cuốn ta đi với biết bao lo toan thường nhật. Đôi lúc bình tâm nhìn lại, không mấy người lại không nhận ra sự ngắn ngủi của kiếp người phù du, “thấy cuộc sống thênh thang như một nơi tạm”. Tác giả ý thức rõ ràng về sự vô thủy vô chung của dòng thời gian, nhưng giai điệu lại chậm, nhẹ, lắng đọng, chứng tỏ người viết đã từng trải qua bao thăng trầm nên nhìn nhận cuộc đời có phần bình thản. Cuộc đời cũng hệt như cơn gió thoảng, tất cả những buồn vui rồi cũng qua đi nhẹ nhàng: “Chuyện xưa có khi bùi ngùi, rồi lại tan đi thế thôi...”. Ta thấy một ý niệm triết học phảng phất nơi đây, gần gũi với thuyết “vô thường” của nhà Phật.



Phần đầu bài hát, ta chưa thấy hình bóng người mẹ đâu cả, chỉ là những suy tư của nhạc sĩ về cuộc đời, tình yêu. Tất cả đều buồn da diết, và tất cả những nỗi buồn ấy hệt như cái nền để bà mẹ hiện lên nhân từ và bao dung với bờ vai nhỏ nhắn nhưng vững chãi cho con gục đầu vào và khóc: “Những khi mẹ khóc, người đàn ông bỗng thấy mình bé lại...”. Người con dẫu có trưởng thành đến đâu cũng trở thành bé nhỏ trước nỗi lo toan và lòng nhân ái của mẹ. Khi gần mẹ, người con bỗng thấy “nhiều ước mơ thanh cao cũng sống lại, thấy niềm kiêu hãnh làm người lại bừng lên giữa đêm dài u tối”. Thật kiệm lời, nhưng có lẽ tác giả đã nói được rất nhiều. Nếu ý thức được niềm kiêu hãnh làm người một cách thường trực, ta sẽ sống có ý nghĩa hơn rất nhiều, và cũng chỉ có mẹ mới làm được điều đó một cách trọn vẹn!

Khi câu cuối của bài hát “Gắng sống xứng đáng với tình yêu của mẹ” khép lại, ta thấy như có một dòng điện chạy trong người, thôi thúc ta sống đẹp hơn. Toàn bài hát không hề có một ca từ, một nốt nhạc lên gân, tất cả cứ nhẹ nhàng xâm chiếm hồn người bằng sức mạnh của sự chân thành. Bài hát đã truyền tải thành công một ý tưởng tuyệt vời: Bé nhỏ trước người mẹ là sự bé nhỏ vĩ đại nhất!


    * Theo NĐOL - Vũ Nhật Khanh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mời bạn đăng nhận xét. Cám ơn bạn đã ghé thăm "nhà" của tôi, chúc bạn có thật nhiều niềm vui và hạnh phúc.