Thứ Năm, 1 tháng 10, 2009

Sống Chung Với "Rác"

Nhạc trẻ Việt Nam hiện nay có đến hơn 70% ca khúc được xếp vào loại nhạc thị trường. Đó là những ca khúc vô bổ, nhàm chán, buồn thảm, rên rỉ với lời lẽ vô lý, nhố nhăng, ăn theo, gây sốc, rẻ tiền... Phần đông khán giả trẻ chấp nhận dòng nhạc ấy. Nhưng đối với những người nghe nhạc thật sự, những nhà hoạt động nghệ thuật chân chính, các ca khúc như vậy chính là "rác" đang làm ô nhiễm môi trường âm nhạc Việt.
Thau nhiều vàng ít
Bất kỳ một người yêu âm nhạc chân chính nào tại Việt Nam cũng đều biết thời gian gần đây nền âm nhạc nước ta đang có những "cú" chuyển mình rõ rệt. Từ số lượng ca sĩ, nhạc sĩ đến số lượng ca khúc đều ra đời không thể kiểm soát được.
Ca sĩ này chưa kịp được khán giả biết đến thì đã có ca sĩ khác vào nghề, ca khúc này chưa kịp được phổ biến thì đã bị rơi vào quên lãng khi ca khúc khác ra đời... Trong "cú" chuyển mình này, không ít người e ngại rằng, có vẻ như đồ thị phát triển của nhạc Việt đang có chiều hướng đi xuống.
Chẳng có gì khó khăn nếu muốn tìm ra hàng loạt những ca khúc nửa nạc nửa mỡ. Lấy y chang bản gốc nhạc ngoại đem về "tái chế", sáng tác thêm lời Việt, rồi cho ra đời một "mớ" nhạc hổ lốn, khi tiếng Anh, khi tiếng Việt, lúc tiếng Hoa lẫn lộn. Thế cho nên, mới tồn tại một định nghĩa khó chấp nhận "sáng tác nghĩa là tìm chứ ít khi là tạo".
Mỗi năm, cũng có đến hàng trăm ca khúc ra đời từ việc cắt nơi này vài câu, ghép nơi kia một đoạn rồi tự phong là "sáng tác". Không ít "mớ" nhạc mì ăn liền, fast-food kiểu này có ca từ rất nhố nhăng, vô lý, gây sốc, rẻ tiền đến không thể hiểu nổi tại sao nó vẫn được hát lên, vẫn được một số người nghe chấp nhận.
Tất nhiên, bên cạnh đó vẫn có những hạt "vàng", dù là ít ỏi hơn. Họ là những người trẻ, có tài năng, có nhiệt huyết, cống hiến và hứa hẹn một hướng tươi sáng cho nền âm nhạc Việt Nam như Nguyễn Đức Cường, Đỗ Bảo, Mạnh Quân, Dương Cầm, Sa Huỳnh, Lê Cát Trọng Lý, Nguyễn Hải Phong,Văn Phong, Bảo Lan...
Song có một nghịch lý rất dễ nhận thấy là những nghệ sĩ thực thụ này dường như lại không "nổi tiếng" bằng một bộ phận nghệ sĩ thị trường, sáng tác và hoạt động nghệ thuật chỉ để đáp ứng thị hiếu nhất thời của một bộ phận khán giả mà không hề có sự đầu tư về kỹ thuật, chất liệu, cảm xúc... Ở đây có sự đánh đồng, lẫn lộn vàng, thau.
Những sản phẩm có chất lượng nghệ thuật cao thường bị nhiều người chê là "khó nghe", khó hiểu, chẳng được mấy người thích. Trong khi đó, một sáng tác thị trường do một ca sĩ thị trường sản xuất tay ngang lại có thể thu hút hàng ngàn fan hâm mộ.

Chưa nói đến thị hiếu của khán giả, thực tế này ít nhiều xuất phát từ nền kinh tế thị trường, khi kinh tế vượt trội nghệ thuật. Những nhạc sĩ có tài, có tâm, có trách nhiệm thường là những người không đủ tiềm lực về kinh tế để có thể "chạy đua" với những đồng nghiệp tay ngang vung tiền mua sự nổi tiếng. Nên không ít nghệ sĩ giỏi, có tâm đành chấp nhận ở đó, vùng vẫy trong không gian của riêng mình mà ít người biết đến.
Người người làm nhạc sĩ
Sự phát triển "nóng" của dòng nhạc thị trường trong đời sống showbiz Việt hiện nay được xem là một điều "bất thường". Thông thường, theo quy luật vận động, khi đời sống kinh tế phát triển khá hơn thì nhận thức nghệ thuật của công chúng cũng sẽ cao hơn. Âm nhạc cũng như điện ảnh và các loại hình nghệ thuật khác tự nhiên sẽ biến chuyển theo hướng tích cực.
Những ca khúc vô bổ, kém chất lượng nghệ thuật sẽ bị đào thải không thương tiếc chứ không thể vẫn sống, vẫn đạt doanh thu cao ngất như thế. Điều gì đã khiến cho số lượng ca khúc thị trường tồn tại quá nhiều, phát triển quá mạnh và được không ít người trong giới trẻ ưa chuộng đến như vậy?
Về phía những nhạc sĩ chuyên sáng tác ca khúc thị trường, cái đích họ ngắm đến cuối cùng là công chúng, cho dù chỉ là một bộ phận hay đại chúng. Trong cơ chế hiện nay, chiều được lòng đông đảo công chúng có nghĩa là có tiền. Thế mới có hiện tượng "nhà nhà làm nhạc sĩ", chưa bao giờ ca sĩ lại có khả năng sáng tác nhiều như hiện nay. Tuy nhiên những nhạc sĩ thị trường này không hoàn toàn có lỗi. Họ chỉ là khâu hoàn tất của quy luật "có cầu ắt có cung".
Nhiều người cũng từng đổ lỗi cho các cơ quan quản lý, những người có trách nhiệm. Song thiết nghĩ, công chúng mới là người giữ vai trò quyết định trong chuyện này. Nếu công chúng vẫn còn muốn nghe thì dù cơ quan chức năng có cấm, các loại "rác" đó vẫn sẽ len lỏi đến. Ngược lại, nếu chúng ta không nghe "rác" nữa mà tìm đến "vàng" nhiều hơn thì chắc chắn mọi chuyện sẽ khác.
Ở các nước có trình độ âm nhạc phát triển cao trong khu vực và trên thế giới, người dân được đảm bảo về vật chất, mới có điều kiện quan tâm sâu hơn đến đời sống tinh thần. Đó là lý do có sự chọn lọc và đào thải rất cao, dẫn đến sự phát triển không ngừng của nền âm nhạc.
Nước ta giờ đây kinh tế đã phát triển hơn trước kia rất nhiều song thị hiếu của người dân lại chưa đi đôi với sự phát triển ấy, công chúng nghe nhạc chưa có sự chọn lọc, cũng chưa có sự thẩm định phê phán một cách khắt khe.
Đa phần chỉ lựa chọn những cái dễ dãi, những cái "mì ăn liền" mà nghe cho qua ngày. Đây chính là mảnh đất màu mỡ cho những dây leo nhạc "không-phải-nhạc" sinh sôi phát triển, bám rễ vào cây âm nhạc Việt và hút hết chất dinh dưỡng. Khán giả yêu nhạc thật sự, muốn nhạc Việt vươn ra thị trường quốc tế, chỉ là thiểu số.
Những người yêu nhạc thực sự và những nhà hoạt động nghệ thuật chân chính luôn hy vọng rằng, đến một lúc nào đó chân giá trị của nghệ thuật sẽ được nhìn nhận đúng. Nhưng đến được lúc đó sẽ mất bao lâu? 10 năm, 20 năm hay 50 năm nữa?
Chẳng lẽ cứ để cho những tiêu cực trong nhạc Việt như nhạc thị trường, ăn theo, đạo nhạc, xào nhạc, scandal tồn tại như vậy? Nếu không bắt tay vào "dọn dẹp" ngay từ bây giờ thì người yêu nhạc Việt vẫn sẽ phải sống chung với "rác" dài dài!

Dương Văn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mời bạn đăng nhận xét. Cám ơn bạn đã ghé thăm "nhà" của tôi, chúc bạn có thật nhiều niềm vui và hạnh phúc.