Thứ Ba, 30 tháng 3, 2010

Tình Yêu và Đức Hy Sinh




Một bộ phim khá cũ mà tôi dù có xem đi xem lại đến mấy chục lần vẫn cảm thấy hay và luôn bị ám ảnh bởi diễn xuất cực đỉnh của diễn viên chính. Trong phim có một số cảnh mà các nhà phê bình điện ảnh cho là bạo lực. Nhưng trên hết cái đọng lại trong tôi chính là sự hy sinh cao cả của Thiên Chúa chỉ vì Ngài yêu thương tất cả loài người chúng ta.
 (phim có một số câu thoại thuyết minh chưa chính xác mong các  bạn thông cảm)!!!!

Tên phim gốc: The Passion of the Christ
Đạo diễn: Mel Gibson
Diễn viên: James Caviezel, Maia Morgenstern, Monica Bellucci, Hristo Jivkov, Hristo Shopov, Rosalinda Celentano, Francesco Cabras
Nhà sản xuất: Newmarket Films
Quốc gia: Mỹ
Năm sản xuất: 2004



Nội Dung: Cuốn phim kể lại một đoạn ngắn trong một câu chuyện cũ đã được nhiều người đọc, nghe, biết và tin là có thực từ hai ngàn năm nay. Cuốn phim bắt đầu bằng việc Juda Iscariot dùng cái hôn yêu mến giả tạo để làm dấu cho những người Do Thái bắt Chúa Giêsu, kế đó lần lượt diễn lại những giờ phút cuối cùng của Chúa, bị lôi từ tòa án này đến tòa án nọ, bị tát vả, đánh đập tàn nhẫn và cuối cùng bị đóng đinh treo vào thập gíá. Trong gần hai giờ đồng hồ, cuốn phim đã cô đọng tất cả những gì các sách Phúc Âm đã nói về cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, và được kết thúc bằng hình ảnh Chúa sống lại từ cõi chết.



Tài tử, đạo diễn kiêm giám đốc sản xuất Mel Gibbson đã bỏ tiền túi ra để thực hiện cuốn phim này vì không có một hãng phim nào chịu hợp tác với ông làm một cuốn phim mà người ta nghĩ rằng chẳng có gì hay ho, chẳng có gì để hấp dẫn người xem và quan trọng hơn hết là chắc chắn sẽ lỗ vốn. Bộ phim chỉ muốn nói lên cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, nói lên tội lỗi con người đã đem lại cái chết đau thương, nhục nhã cho Chúa Giêsu. Theo như Mel Gibbson thì ông đã có tất cả, tiền tài, danh vọng...chỉ còn một điều ông ao ước là làm một cái gì đó để đáp lại tình yêu của Thiên Chúa và cuốn phim này là điều ao ước đó. Sau khi cuốn phim được hoàn thành, không một cơ sở thương mại nào giúp cho việc quảng cáo vì người ta không nhìn thấy một điều gì có thể kiếm lời. Ngoài ra có nhiều người lên tiếng chỉ trích về cả kỹ thuật lẫn nội dung, về kỹ thuật người ta nói nó không có tình tiết , không gây bất ngờ, về nội dung thì đề tài quá lỗi thời. Người ta lo sợ cuốn phim này khi mang ra trình chiếu sẽ gây lên một làn sóng bài Do Thái, làm sống lại mối hận thù giữa người Công Giáo và người Do Thái vì cuốn phim chỉ rõ người Do Thái là thủ phạm chính trong cái chết của Chúa Giêsu.


Thế nhưng cuốn phim đã đem lại một ngạc nhiên lớn cho các nhà sản xuất chuyên môn của kỹ nghệ điện ảnh. Trong vòng năm ngày đầu tiên, cuốn phim đã thâu được trên 125 triệu USD, so với số vốn 25 triệu USD mà Mel Gibbson đã bỏ ra thì phải kể đây là một thành công quá lớn. Vì không có ai chịu quảng cáo cho, lại thêm với những chỉ trích nghiêm trọng, Mel Gibbson đã phải đem phim đến các cơ sở nghiên cứu hay đại học để xin ý kiến, công việc này vô tình đã làm dậy lên làn sóng bình phẩm và tò mò nhờ đó nhiều người đã hay được và yêu cầu có những ấn bản để xem trước. Cuốn phim không hề được quảng cáo trên những áp phích, cũng chẳng có trên những trang báo lớn, sau khi phim được trình chiếu thì mới thấy đăng trên báo chí. Có lẽ ngay cả Mel Gibbson cũng không thể ngờ được là cuốn phim mình làm lại có được một ảnh hưởng lớn đến như thế. Phải công bằng mà nói, Mel Gibbson là một trong những tài tử đứng đắn trong giới minh tinh màn ảnh, trước đây ông cũng đã từng đóng phim nhiều mà nội dung rất đáng khen, không giống như những phim ảnh khác có tính cách thời thượng, làm tiền.



Nhiều người đã từng phải bỏ về vì không thể xếp hàng chờ đợi mua vé vào xem, nhiều người đã xem đi, xem lại phim này nhiều lần, nhiều người đã khóc sướt mướt khi nhìn cảnh Chúa Giêsu bị đánh đập tàn nhẫn, và nhiều người cho biết họ đã bị đánh động khi xem phim này. Nhưng cũng có nhiều người rất dè dặt khi phải phát biểu cảm tưởng về cuốn phim này, Đức Hồng Y Jean Marie Lustiger, Tổng Giám Mục địa phận Paris, nước Pháp đã cho rằng “cuộc thương khó của Chúa Giêsu không phải là một trình diễn cho người ta xem, nhưng là một hành động của quyền năng Thiên Chúa”, Ngài lo sợ rằng cuốn phim chỉ đánh động vào cảm giác và trí tưởng tượng của khán giả nên có thể sẽ gây ra những sự hiểu lầm. Về nỗi lo ngại cuốn phim sẽ dấy lên một làn sóng bài Do Thái thì đã không xảy ra, sau gần một tuần trình chiếu, không có một báo cáo nào liên quan đến việc này. Có một phụ nữ ở Ohio đã chết trong khi xem phim nhưng người ta cho biết là phụ nữ này vốn đã có bệnh đau tim và cái chết của bà không dính dáng gì đến cuốn phim cả.



Cuốn phim được xếp vào hạng “R” (Restricted, giới hạn, trẻ con dưới 17 tuổi phải có người lớn đi cùng), vì trong đó có những cảnh đánh đập tàn nhẫn. Bộ phim không có mục đích giải trí, chính Mel Gibbson nói rằng ông muốn dựng lại những cảnh tàn nhẫn ấy để khán giả thấy được sự thương khó của Chúa Giêsu, sức chịu đựng của Ngài và làm nổi bật lên tình thương yêu sâu thẳm của Chúa sau khi đã chịu đựng tất cả nỗi thống khổ ấy, Ngài vẫn xin Chúa Cha tha thứ cho họ vì họ không biết việc họ làm. Trong chương trình phỏng vấn Primetime của đài truyền hình ABC, Mel Gibbson đã phủ nhận việc đổ tội cho người Do Thái đã giết Chúa Giêsu qua cuốn phim, ông nói “cuốn phim này được dựng nên để nói về lòng tin, về hy vọng, về tình thương yêu và sự thứ tha, đó thật sự là những gì tôi muốn nói và tôi tin như thế “

Cuộc hành trình thương khó của Chúa Giêsu là những gì đang được lập đi lập lại mỗi ngày trong Mùa Chay qua những chặng đường Thánh giá mà chúng ta tham dự. Mỗi Mùa Chay là một dịp để chúng ta chia sẻ sự đau khổ của Chúa Giêsu, khi Ngài mặc lấy xác phàm, chịu đựng tất cả những nỗi đau đớn về thân xác của con người để đánh đổi lấy tội lỗi của chúng ta hầu có thể cứu chuộc cho chúng ta. Chúng ta được kêu gọi sống tiết độ, hy sinh và chia sẻ cho người khác chẳng qua là để nhớ lại chặng đường thương khó của Chúa Giêsu mà cuốn phim đã dựng lại.



Trong mùa chay này, chúng ta được đặt trước sự lựa chọn giữa những điều Chúa khuyên dạy bằng chính sự hy sinh, bằng cái chết của Ngài và những phù phiếm xa hoa của con người, giữa cái cửa hẹp, đau đớn của sự thương khó và con đường trải thảm đỏ, giữa một hình ảnh Chúa Giêsu phục sinh và những cái mả tô vôi. Và chúng ta có sự tự do để lựa chọn.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mời bạn đăng nhận xét. Cám ơn bạn đã ghé thăm "nhà" của tôi, chúc bạn có thật nhiều niềm vui và hạnh phúc.