Thứ Bảy, 14 tháng 7, 2012

Đời Như Ý & Truyện Ngắn Cùng Tên

 Đa phần khán giả tại sân khấu kịch Thế Giới Trẻ (Kịch Gia Định – ngây trân trường Đại Học Sân Khấu Điện Ảnh Tp.HCM) đều chưa biết hoặc biết rất ít về tác phẩm “Đời Như Ý” của nhà văn nữ Nguyễn Ngọc Tư. Số biết rõ và đầy đủ rất ít. Thậm chí khi nghe vở diễn “Đời Như Ý” được chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của một nhà văn có tiếng ở Cà Mau thì nhiều khán giả xem được một phần tư vở thốt lên: truyện gốc nó ra sao vậy ta? Xem xong vở này rất nhiều khán giả bảo rằng hay quá, diễn hay. Với tôi nó quá nhạt và thiếu hấp dẫn, khai thác các yếu tố gây cười một cách quá đà ngoài tưởng tượng của tôi trước khi xem. Háo hức, tin tưởng vào một vở diễn làm vừa lòng mình chợt vụt tan khi vở đã đi hơn hai phần ba chặng đường. Nội dung của vở diễn đã làm khác đi so với nguyên tác của nó, nhiều tuyến nhân vật, tình tiết đã bị thay đổi. Đời Như Ý trên sàn diễn nói về số phận bi kịch của  chàng thanh niên Hai Đời (Quang Tuấn) bị mù lòa nhưng có tâm hồn trong sáng. Anh cưu mang cô bé bị tâm thần là Bé Ba (Ngọc Trinh). Chiếc ghe nhỏ là nơi hai mảnh đời bất hạnh sinh sống.
 Nhờ nghị lực biết vươn lên mà Hai Đời đã phải lòng cô nàng Sương (Diễm Phương), cô gái mồ côi đẹp người đẹp nết. Hai Đời và Sương cố gắng làm việc cực lực và đã dành dụm được một khoảng tiền đủ để làm đám cưới. Tuy nhiên, Bé Ba khờ khạo đã bị Khương – một kẻ nhà giàu lưu manh nơi anh sống đã cưỡng hiếp (Hữu Tiến). Vì thế lực đồng tiền nên Hai Đời đứng ra chấp nhận mình là cha đẻ của cái bào thai dù đã biết ai là chủ của nó. Sương bị Khương bắt làm vợ, Hai Đời và người yêu chia tay. Vì không chịu được sự miệt thị của người dân trong xóm nên anh cùng Bé Ba chống ghe qua chổ khác mà mần ăn sinh sống bằng nghề bán vé số kèm theo vài ba câu vọng cổ.  Đến một ngày Bé Ba sinh đôi một trai một gái rồi anh đặt tên cho nó là con Như (Puka) và thằng Ý (La Thành). Một ngày nọ, Khương tìm đến chiếc ghe của anh và đòi bắt thằng Ý về và cũng trả cho anh vài triệu. Khương không bắt đứa con gái vì sợ bị khùng giống mẹ nó. Nhưng với bản tính hiếu động của Ý nó đã trốn khỏi nhà Khương và tìm về chiếc ghe cũ nơi nuôi nó khôn lớn. Bi kịch thay, Hai Đời đã mắc phải căn bệnh ung thư phổi vì nghèo khó không có tiền thuốc men, chạy chữa, và rồi anh không còn đủ sức để hằng ngày ca cải lương bán vé số nữa. Anh đã yên giấc ngàn thu sau cuộc hội ngộ cùng với thằng con trai sau bấy lâu xa cách.
 Ở truyện ngắn, ta thấy được sự lạc quan yêu đời của của những con người gặp nhiều bất hạnh trong cuộc sống, là sự vươn lên để trở thành người có ít cho xã hội. Bên cạnh đó, những con người nghèo tiền nhưng cái tình thì chan chứa như sông như biển vậy. Người ta sẵn sàng cưu mang, yêu thương lẫn nhau dù biết rằng người ấy chẳng máu mủ gì với mình cả.
 Trên sân khấu, tác giả - đạo diễn lại không khai thác những tình huống đắt giá (có ngay trong nguyên tác) mà chèo lái sang hướng khác đầy u tối hơn. Những nhân vật hư cấu như: bà Sáu ăn xin (Hồng Trang) với cái chân què giả chuyên cho vai ăn lời cắt cổ, Anh Tám (Khương Ngọc) bán thịt heo nhiều chuyện nóng tính,  và anh Sơn bán cá (Lê Anh) đều mang trong mình hai bản tính, tốt và xấu. Suốt vở diễn hình như tác giả - đạo diễn khai thác cái xấu, cái ác của họ ra để chọc cười mà phần thiện lại quá mờ nhạt.

 Trong nguyên tác, kết thúc truyện là một kết thúc mở mang một màu xám nhẹ, trong mảng đen u tối còn có một đốm sáng hy vọng ở tương lai, khi xung quanh gia đình Hai Đời còn có rất nhiều người tốt . Còn ở sân khấu thì nó mang một màu đen tối, khi xung quanh gia đình Hai Đời là những con người mà cái xấu lấn áp cái tốt. Những người trong xóm bảo là Hai Đời đã có  nhà rồi, có chổ ở hẳng hoi rồi, nhưng rốt cuộc lại chẳng thấy đâu, kết thúc này rất dễ gây hiểu lầm đó là sự vọng tưởng của gia đình Hai Đời hay đó là sự thật tươi sáng. Chẳng ai biết. Và liệu, cuộc đời của Bé Ba, hai bé Như và Ý sẽ về đâu vì xung quanh họ cái xấu vẫn đang bị bao trùm.
 Không chỉ có thế, diễn viên kịch bị lạm dụng ca vọng cổ thật trong khi đó diễn viên Quang Tuấn không có giọng, diễn viên vào vai chưa phù hợp (chư phù hợp thế nào bạn xem sẽ rõ). Âm nhạc, ánh sáng, lời thoại được lựa chọn thiếu tinh tế, cộng với những đoạn tấu hài dây dưa, những tiếng la hét ồn ào thật sự chưa làm khán giả hài lòng.
   Xem nội dung vở diễn và hình ảnh TẠI ĐÂY
P.S: Mình chỉ thích mỗi diễn xuất của diễn viên Quang Tuấn thôi à chân chất, dễ thương đúng chất dân Miền Tây. (trừ khi anh ấy ca vọng cổ thôi).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mời bạn đăng nhận xét. Cám ơn bạn đã ghé thăm "nhà" của tôi, chúc bạn có thật nhiều niềm vui và hạnh phúc.